Thưởng 50 triệu đồng cho thông tin thực phẩm bẩn

Đăng ngày 10 - 12 - 2015
100%

Thanh tra)- Thực phẩm bẩn đang hoành hành từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa. Nguy cấp là: Nhiều nơi chất bẩn được sử dụng vượt mức hàng chục, thậm chí hàng trăm lần cho phép. Thực phẩm bẩn là gốc rễ của các bệnh hiểm nghèo. Về lâu dài, đây là một trong những tác nhân làm thoái hóa nòi giống.

Vậy, có thể ngăn chặn được thực phẩm bẩn không? Đây là câu hỏi lớn đối với toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, tập thể đến cơ quan chức năng, chính quyền đều phải vào cuộc ráo riết mới đạt được mục tiêu: Có bữa ăn sạch cho mọi người.

Tin vui: Để động viên cá nhân, tập thể báo tin cho cơ quan chức năng về việc cá nhân, doanh nghiệp sử dụng thực phẩm bẩn sẽ có mức thưởng từ 1- 50 triệu đồng. Giá trị tiền thưởng phụ thuộc vào giá trị thông tin, cụ thể: Vụ việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến cộng đồng ở mức độ nào... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là đơn vị thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thông tin và trả thưởng thông qua Thanh tra Bộ.

Từ khi Thanh tra Bộ NN&PTNT công bố đường dây nóng (08042526/0917808113; email: thongtinvipham@mard.gov.vn) đã nhận được nhiều thông tin nóng có giá trị. Nhờ đó, Thanh tra ngành Nông nghiệp ở phía Nam đã phát hiện nguyên một thùng phuy lớn chất Salbutamol (chất tăng trọng và tạo nạc) gây nguy cơ ung thư cao. Ở phía Bắc, ông Nguyễn Quyền Anh, hộ nuôi lợn ở huyện Hoài Đức - Hà Nội công khai báo tin về việc một công ty bán thức ăn gia súc kèm theo chất Salbutamol. Cả hai vụ việc điển hình ở hai miền đã được xử lý.

Nhiều cán bộ thanh tra, người chăn nuôi thừa nhận: Việc cung cấp và tiếp nhận thông tin mật sẽ góp phần tạo môi trường chăn nuôi và kinh doanh lành mạnh. Bởi các hộ, các chủ trang trại, doanh nghiệp sẽ “dòm ngó” nhau, kiểm tra gián tiếp lẫn nhau. Ai sử dụng sẽ có cách báo tin ngay. Song, cũng có nhiều người “biết rõ mười mươi” những người cùng ngành nghề sử dụng chất cấm, nhưng không dám tố giác, sợ bị trả thù. Để đảm bảo bí mật cho những người tố giác, cơ quan chức năng cam kết bảo mật thông tin. Ngay cả khi nhận giải thưởng danh tính người nhận cũng được đảm bảo.

Cách làm của Bộ NN&PTNT được dư luận đánh giá là giải pháp kịp thời và hay. Song thực tế, mức xử phạt đối với nhóm đối tượng vi phạm vừa qua quả thực chưa đủ sức răn đe. Theo tính toán, lợi nhuận từ việc sử dụng chất cấm còn lớn hơn hàng chục lần mức xử phạt. Đó là nguyên nhân dẫn đến kẻ vi phạm dễ dàng lặp lại sai phạm. Thực tế, ở một số địa phương thời gian qua, người dân tố cáo các trang trại gây ô nhiễm môi trường, sử dụng chất cấm, nhưng xử lý ở các địa phương đó chưa tốt, thậm chí làm ngơ, bỏ qua. Điều này dễ làm mất niềm tin của người dân.

Qua một số hội thảo, hội nghị liên ngành bàn về các giải pháp ngăn chặn tình trạng kinh doanh sử dụng chất cấm tràn lan, nhiều nhà quản lý, cán bộ thanh tra, người dân điển hình chống tiêu cực đã chỉ ra: Ngăn chặn cái “ác” phải từ nhiều phía, phải diệt tận gốc, đó là công tác kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu các chất tăng trọng phải tuyệt đối nghiêm minh. Phạm vi buôn bán và sử dụng chất cấm đều có ở khắp 63 tỉnh thành, vì thế, Bộ NN&PTNT phải là đơn vị chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương cùng vào cuộc. Đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là người dân. Họ cũng là lực lượng đông đảo nhất ở khắp mọi vùng miền phát hiện vi phạm. Do vậy, công tác tuyên truyền, động viên nhân dân tích cực tố giác tội phạm là rất quan trọng. Chỉ có phối hợp đồng bộ các giải pháp thì mới đẩy lùi được thực phẩm bẩn ra khỏi bếp ăn, bàn ăn của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể...

Tuy rằng đây là công việc khó và cần thời gian. Nhưng không có nghĩa khó mà chúng ta không làm được. Chúng ta quyết làm được.

<

Tin mới nhất

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    323 người đã bình chọn
    °
    386 người đang online