Tăng cường đối thoại để giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm, hiệu quả
Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời giữ vững ổn định xã hội. Trong quá trình này, đối thoại với công dân không chỉ là một bước trong quy trình nghiệp vụ, mà còn là kênh thông tin hai chiều quan trọng, giúp cơ quan Nhà nước nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng và diễn biến tâm lý của người dân, từ đó có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả và đúng pháp luật.
Đối thoại – Cầu nối giữa chính quyền và nhân dân
Trong nhiều vụ việc, khiếu nại kéo dài, vượt cấp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng đều bắt nguồn từ sự thiếu thông tin, hiểu lầm, thậm chí mất niềm tin giữa người dân và chính quyền. Khi đó, tổ chức đối thoại trực tiếp là cách thiết thực để giải tỏa bức xúc, làm rõ quan điểm giữa các bên, tạo cơ hội để người dân được trình bày, được lắng nghe và được giải thích cặn kẽ.
Đối thoại không chỉ để thuyết phục, mà quan trọng hơn là thể hiện sự tôn trọng nhân dân, lấy sự đồng thuận làm nền tảng xử lý vấn đề. Đó là biểu hiện cụ thể của chính quyền “phục vụ”, gần dân, hiểu dân và vì dân.
Tổ chức đối thoại – Cần thiết, thực chất và đúng pháp luật
Theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, đối thoại là bước bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cấp, tùy theo tính chất vụ việc. Tuy nhiên, để đối thoại đạt hiệu quả thực chất, cần lưu ý:
-
Chuẩn bị kỹ nội dung đối thoại: Nắm chắc hồ sơ, tình tiết vụ việc, có phương án trao đổi cụ thể, rõ ràng, đúng pháp luật và phù hợp thực tế.
-
Chủ trì có uy tín, bản lĩnh và am hiểu pháp luật, có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống linh hoạt, tránh căng thẳng
-
Tổ chức minh bạch, công khai, dân chủ, có sự tham gia của các bên liên quan và đại diện mặt trận, đoàn thể (khi cần).
-
Ghi nhận đầy đủ ý kiến, lập biên bản đối thoại, làm căn cứ cho việc ra kết luận và trả lời người dân minh bạch, đúng thời hạn.
Đối thoại công dân không chỉ là biện pháp nghiệp vụ, mà còn là thông điệp về tinh thần cầu thị, lắng nghe và trách nhiệm giải trình của chính quyền. Trong bối cảnh hiện nay, khi niềm tin xã hội là yếu tố then chốt của phát triển bền vững, đối thoại càng cần được xem là công cụ hữu hiệu để hóa giải mâu thuẫn, tăng cường đồng thuận và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thành công trong giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ là việc ra được quyết định đúng pháp luật, mà còn là làm cho người dân "tâm phục, khẩu phục". Và để đạt được điều đó, không thể thiếu đối thoại chân thành, trách nhiệm và trên tinh thần xây dựng.
Lê Linh