nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025 liên quan đến giáo dục, xử phạt...

Từ tháng 5/2025, hàng loạt chính sách mới quan trọng bắt đầu có hiệu lực, trong đó nổi bật là các quy định hỗ trợ trẻ em nhà trẻ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nguyên tắc xử phạt hành chính khi có tình tiết tăng nặng

Bổ sung chính sách hỗ trợ trẻ em nhà trẻ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/5/2025), quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo. Điểm mới đáng chú ý là lần đầu tiên trẻ em nhà trẻ bán trú từ 3 tháng đến 3 tuổi được đưa vào diện được hỗ trợ học tập bằng ngân sách nhà nước.

Cụ thể, mỗi trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng tiền ăn trưa, áp dụng tối đa 9 tháng/năm học. Ngoài ra, cơ sở giáo dục có nhóm trẻ em này sẽ được hỗ trợ 700.000 đồng/tháng/nhóm để tổ chức quản lý buổi trưa. Mức hỗ trợ này cao hơn gấp đôi so với quy định trước đó tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong chính sách phát triển con người ngay từ những năm đầu đời.

xử phạt hành chính kịch khung nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng

Cũng trong tháng 5, Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 118/2021/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5/2025. Nghị định mới quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng mức phạt hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

Theo đó:

  • Nếu có 1 tình tiết tăng nặng, mức phạt áp dụng từ trên trung bình đến dưới mức tối đa của khung;

  • Nếu có 2 tình tiết tăng nặng trở lên, sẽ áp dụng mức tối đa của khung phạt;

  • Tương tự, nếu có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, áp dụng mức tối thiểu của khung phạt;

  • Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết tăng nặng được trừ bằng một tình tiết giảm nhẹ.

Quy định mới nhằm nâng cao tính răn đe, đảm bảo tính công bằng và linh hoạt trong xử lý vi phạm hành chính.

Văn phòng Thanh tra tỉnh