“Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng” (Bài 2): Những “con sâu đang giấu mình trong kén”

Đăng ngày 24 - 09 - 2022
100%

Cuộc chiến “nói không” với tham nhũng, tiêu cực không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều bởi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây chính là “cái gốc” dẫn tới tham nhũng, tiêu cực. Do đó, để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả, cần loại bỏ những “con sâu đang giấu mình trong kén”.

Cán bộ Thanh tra tỉnh thanh tra theo chương trình, kế hoạch và đột xuất liên quan về đất đai. Ảnh: Thu Vui

Triệt “cái gốc” nảy mầm tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai vấn đề này có liên quan đến nhau, bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây mới là “cái gốc”, cái cơ bản cần phải chống.

Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” đã và đang len lỏi ngày càng sâu hơn vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Điều này đã được chỉ rõ trong nhiều văn kiện mà gần đây nhất trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế đã cho thấy, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý hoặc tiêu cực, tham nhũng khi có điều kiện. Trong báo cáo định kỳ, Thanh tra tỉnh đã chỉ rõ: Qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng như qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê, bao che” cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp... Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Hẳn nhiều người còn nhớ, để có thể “rút ruột” hàng tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, Mai Văn Hồng, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) đã cấu kết với cán bộ cấp dưới lập khống hồ sơ thanh quyết toán để lấy tiền sử dụng, chi tiêu sai quy định. Theo cơ quan điều tra Công an Thanh Hóa, trong thời gian từ năm 2016-2019, Mai Văn Hồng (thời điểm đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh) đã chỉ đạo Lê Như Hiếu (lúc đó là kế toán trưởng UBND xã Vĩnh Thịnh) lập khống hồ sơ thanh, quyết toán phụ cấp cho một số chức danh không chuyên trách ở cấp thôn với Kho bạc Nhà nước huyện Vĩnh Lộc để lấy tiền ngân sách Nhà nước sử dụng, chi tiêu sai quy định. Riêng Hoàng Ngọc Thắng (lúc đó là thủ quỹ UBND xã Vĩnh Thịnh) thực hiện ý kiến chỉ đạo của Mai Văn Hồng, Lê Như Hiếu đã bàn giao tiền phụ cấp thanh toán các chứng từ lập khống để Hồng và Hiếu sử dụng, chi tiêu sai quy định. Các đối tượng nêu trên đã lập khống 64 phiếu chi, bảng thanh toán phụ cấp cho 3 chức danh không chuyên trách ở cấp thôn, gây thiệt hại hơn 971 triệu đồng.

Tương tự, lợi dụng việc được giao nhiệm vụ chủ trì và trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất bị thu hồi tại phố Lễ Môn và phố Sơn Vạn, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) để phục vụ đầu tư, xây dựng dự án số 2 khu đô thị Đông Hải, Nguyễn Văn Đức và Dương Văn Trung là cán bộ thuộc ban giải phóng mặt bằng và tái định cư (UBND TP Thanh Hóa) đã trao đổi, hướng dẫn và thỏa thuận với các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất đã được lập biên bản kiểm kê để sửa chữa, ghi nhận hoa màu là lúa và rau ngổ. Sau đó, các đối tượng tẩy xóa 38 biên bản kiểm kê thực tế hoa màu từ lúa thành hoa ly củ để tăng tiền chênh lệch bồi thường, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1,6 tỷ đồng. Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc gần đây đã bị phát hiện, bị đưa ra ánh sáng và bị dư luận lên án gay gắt. Vẫn còn nhiều “con sâu đang giấu mình trong kén”, không dễ để bị “bắt” ra ánh sáng. Chính sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là căn nguyên dẫn đến tham nhũng và ngược lại. Phòng, chống tham nhũng đã khó, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lại càng khó gấp bội, bởi nó thường xuyên ẩn náu trong mỗi con người và sẵn sàng trỗi dậy làm cho con người ta gục ngã trước một cám dỗ nào đó.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2022, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 15 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm gồm: 6 đảng ủy cơ sở, 1 ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở, 2 đảng ủy bộ phận và 6 chi bộ. Ủy ban kiểm tra cấp huyện và tương đương kiểm tra 9 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở kiểm tra 6 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết quả có 11 tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm, phải thi hành kỷ luật 5, đã thi hành kỷ luật 5. Ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã kiểm tra 451 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 120 cấp ủy viên, chiếm tỷ lệ 26,6% (1 bí thư đảng ủy, phó giám đốc sở; 6 huyện ủy viên; 55 đảng ủy viên; 58 chi ủy viên). Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra 4 đảng viên, ủy ban kiểm tra cấp huyện và tương đương kiểm tra 113 đảng viên; ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở kiểm tra 251 đảng viên; chi bộ kiểm tra 83 đảng viên. Qua kiểm tra kết luận có 420 đảng viên vi phạm, chiếm tỷ lệ 93,1% đảng viên được kiểm tra; 366 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; đã thi hành kỷ luật 353 đảng viên, đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật 13 đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc quản lý và sử dụng đất đai, tài chính, thực hiện dự án đầu tư, quy chế làm việc, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trách nhiệm nêu gương, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.

Những cán bộ tha hóa, biến chất sẽ phải chịu những hình thức xử phạt tương ứng với tội lỗi gây ra. Điều đáng nói nhất ở đây chính là tổn thất về cán bộ. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý từng được ăn học đến nơi đến chốn, từng lăn lộn trong thực tiễn, đồng cam cộng khổ với người lao động, từng có những năm tháng rèn luyện chỉn chu, trưởng thành, từng được bao người dân trông mong, kỳ vọng vào sự cống hiến, đóng góp của họ, nhưng rồi phần vì tự họ không bền bỉ tu dưỡng và nghiêm khắc giữ gìn bản thân, phần khác vì những kẽ hở về cơ chế, chính sách và mặt trái của cơ chế thị trường lôi kéo, tác động mà họ đã sa ngã và phải trả giá. Điều đáng nói, không chỉ cá nhân, gia đình họ đau xót, mà tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp của họ, nói rộng ra là cấp ủy, chính quyền các cấp cũng bị tổn thất về công tác cán bộ.

Tiêu cực và tham nhũng có gắn bó mật thiết với nhau nên muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải chống từ gốc, tức là chống những tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chống tiêu cực tốt là ngăn ngừa tham nhũng trước một bước.

Những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi

Nghiên cứu từ tố tụng các vụ án kinh tế tham nhũng điều tra, xét xử thời gian qua có thể nhận diện được các chiêu thức, thủ đoạn mà các đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là thủ đoạn cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp với những “quan chức” có thẩm quyền gây thất thoát tài sản Nhà nước. Thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, “tham nhũng vặt” đã được phanh phui và xử lý. Qua các vụ việc, vụ án tham nhũng cho thấy đối tượng tham nhũng rất đa dạng, chiêu thức, thủ đoạn tham nhũng rất tinh vi, lĩnh vực tham nhũng mở rộng. Tội phạm tham nhũng đã chuyển sang nhiều thủ đoạn mới nhằm đối phó, che giấu dưới các hình thức phức tạp hơn. Bên cạnh các vụ án, vụ việc lớn, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại khá phổ biến, tập trung trong các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản, ngân hàng, giải quyết các chế độ, chính sách, thủ tục hành chính, “chạy trường, chạy lớp” cho con... Thực trạng này đã và đang gây ra nhiều bức xúc cho xã hội.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy, tội phạm tham nhũng đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi trên nhiều ngành, lĩnh vực. Vi phạm chủ yếu nổi lên là tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác vì vụ lợi cá nhân. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ chưa được ngăn chặn hiệu quả, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Còn theo Thanh tra tỉnh thì tham nhũng ngày càng có biểu hiện tinh vi và khó phát hiện hơn. Bên cạnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc thì tham nhũng vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng tài chính, vốn, tài sản công, tham nhũng trong việc thực hiện xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo kê cho “xã hội đen”, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm...

Trung tá Lương Ngọc Hải, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh cho biết: “Các hành vi vi phạm trong các vụ án tham nhũng bị khởi tố trong 7 tháng năm 2022 chủ yếu là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì động cơ, mục đích cá nhân đã làm trái nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và công dân; hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số 8 vụ án tham nhũng do lực lượng cảnh sát kinh tế toàn tỉnh khởi tố 7 tháng năm 2022, có nhiều vụ án liên quan đến đất đai. Các vi phạm về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh xảy ra rất phức tạp và nghiêm trọng. Hành vi chủ yếu của các đối tượng là bán đất trái thẩm quyền, hoặc khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt một mức giá nhất định nhưng đã tự ý nâng mức giá lên để thu tiền của Nhân dân, gây thiệt hại cho người dân. Hoặc hành vi lập khống nguồn gốc đất, tài sản hoa màu trên đất, chuyển đổi loại hình tài sản này thành loại hình tài sản khác để chiếm đoạt tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Các đối tượng kê khai khống để nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, nhằm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ngân sách”. Điển hình như ngày 10-1-2022, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hà Trung đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Trung Tuyến, sinh năm 1959, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hà Lai và Lê Chí Dũng, sinh năm 1979, nguyên công chức địa chính xã Hà Lai về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo kết quả điều tra, lợi dụng chức vụ quyền hạn là Chủ tịch UBND xã Hà Lai, Nguyễn Trung Tuyến đã chỉ đạo Lê Chí Dũng lập hồ sơ khống xác định sai nguồn gốc đất sai sự phù hợp quy hoạch để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Lê Xuân Hỏa và bà Lê Thị Nhàn với diện tích 200m2 đất, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực ngoài Nhà nước cũng diễn biến hết sức phức tạp, nổi lên là tình trạng tham ô tài sản trong các doanh nghiệp tư nhân. Liên quan đến lĩnh vực này, ngày 10-1-2022, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Sơn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Phạm Thị Phương về tội tham ô tài sản tại doanh nghiệp Trần Hoàn để chiếm đoạt hơn 85 triệu đồng. Gần đây nhất, ngày 13-6-2022, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghi Sơn đã khởi tố vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn MAVIN, khởi tố 5 bị can có hành vi cấu kết với nhau.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp. Vì thế, cùng với việc sớm nhận diện được những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng sử dụng để chống cho thật hiệu quả thì việc “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” cũng đã được thực hiện kịp thời nhằm chỉnh đốn Đảng từ khâu chính trị, đạo đức, tư tưởng và hành động. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

<

Tin mới nhất

Giao ban công tác nội chính, tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với văn phòng cấp ủy...(20/04/2024 11:37 SA)

Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính (02/04/2024 11:44 SA)

Vận dụng giá trị của cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,...(13/11/2023 11:17 SA)

Quy định 114/QĐ-TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham...(05/09/2023 11:26 SA)

“Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng” (Bài cuối): Bịt “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”(25/09/2022 9:36 SA)

“Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng” (Bài 2): Những “con sâu đang giấu mình trong kén”(24/09/2022 9:32 SA)

“Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng” (Bài 1): Quyết liệt, tạo đột phá trong phòng, chống tham nhũng(23/09/2022 9:29 SA)

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa và Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Thanh Hóa ký kết quy chế phối hợp(23/11/2021 4:58 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    338 người đã bình chọn
    °
    916 người đang online