Vận dụng giá trị của cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh"

Đăng ngày 13 - 11 - 2023
100%

Bài viết tham luận của đồng chí: Mai Sỹ Diến - Tỉnh uỷ viên, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa. Nội dung: Việc vận dụng giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa.

1.Về nhận thức

Nội dung của cuốn sách là sự tổng kết thực tiễn phong phú, là tư tưởng của người đứng đầu Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng tôi xác định đây là một trong những cẩm nang quan trọng cả lý luận và thực tiễn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng giá trị cuốn sách trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cựclà rất cần thiết để có định hướng đúng đắn, mang tính giáo dục và răn đe cao, thực hiệnphòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả ngay trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Soi chiếu vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của mình, chúng tôi thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là:

a) Về trình độ, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ công chức thanh tra

Đội ngũ công chức Ngành Thanh tra tỉnh nói chung, Thanh tra các sở, ngành và cấp huyện nói riêng còn nhiều bất cập, không chỉ thiếu về số lượng cần thiết mà còn thiếu về kinh nghiệm, kỹ năng tham mưu công tác quản lý nhà nước. Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, bản lĩnh của một bộ phận CBCC còn hạn chế, một số trường hợp có biểu hiện sách nhiễu, cá biệt có một số trường hợp vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ.

b) Về công tác thanh tra

Công tác thanh tra vẫn chưa đảm bảo tính toàn diện; một số nội dung bức xúc của xã hội chưa được tập trung thanh tra đầy đủ; một số kết luận thanh tra chưa xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị, xử lý các sai phạm, có vụ việc chưa đủ nghiêm khắc; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra còn nhiều bất cập, còn tồn đọng nhiều kết luận, văn bản xử lý sau thanh tra chưa được thực hiện dứt điểm.

c) Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Một số cơ quan, người đứng đầu không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ đã công bố; chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở không ít địa phương vẫn còn thấp; tình trạng chậm trễ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn xảy ra; một số quyết định giải quyết chậm được thực hiện hoặc thực hiện không triệt để. Tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

d) Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét nhưng chưa đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các đơn vị; nhiều biện pháp phòng ngừa thực hiện còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng chưa đạt được kết quả; trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, xử lý tham nhũng còn thấp.

2. Việc vận dụng giá trị của cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa.

a) Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra:

- Thanh tra tỉnh quán triệt, phấn đấu thực hiện công tâm, khách quan, làm rõ các khuyết điểm, vi phạm trong thanh tra, kiểm tra; xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, chiếm dụng, sử dụng trái phép về cho Nhà nước.

- Công tác thanh tra phải tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm như quản lý đất đai, quản lý ngân sách, tài sản công, quản lý xây dựng, công tác cán bộ và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu các đơn vị, theo đúng nguyên tắc:  vi phạm có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra mới chuyển, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; xử lý, ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra phải tạo thêm bước chuyển biến tích cực;tiếp tục tham mưu, trình UBND tỉnh những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra.

b) Chú trọng, tăng cường phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, điều tra theo Thông tư liên tịch số 03/2018, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

c) Chú trọng kiểm soát thực hiện quyền lực trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua việc ban hành quy chế hoạt động Đoàn thanh tra, quy định văn hóa công vụ trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.

Xác định trong hoạt động thanh tra, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó;việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực của CBCC để trục lợi đều phải được xem xét, kết luận về trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm.

Ngày 27/10/2023 Bộ Chính trị ban hành quy định 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Chúng tôi xác định 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực và những hành vi nghiêm cấm theo quy định của Bộ Chính trị, là những nội dung tuyệt đối không được vi phạm trong hoạt động thanh tra; quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân là quy định khung, là chiếc gậy để tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ CBCC Thanh tra tỉnhcó bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh, trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của các cấp ủyĐảng và Chính quyền các cấp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Khi làm việc với Thanh tra Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã chỉ ra: “Tay nhúng chàm không thể chống tham nhũng”. Để chống tham nhũng hiệu quả phải cần những người có “bàn tay sạch”, cần những con người mà trái tim và khối óc luôn cùng nhịp đập, cùng suy nghĩ trong niềm vui, nỗi đau của dân tộc mình. Đây là mong muốn của Tổng Bí thư và cũng là phương châm rèn luyện, nỗ lực phấn đấu của CBCC Ngành thanh tra nói chung và Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, xác định việc cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính;Thanh tra tỉnh xác định phải phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tăng cường giáo dục, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát chặt chẽ để CBCC biết giữ gìn, không vi phạm điều cấm, chỉ làm những việc quy định của Đảng, quy định của pháp luật cho phép; thực hiện nhiệm vụ theo đúng đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

d) Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

- CBCC thanh tra tỉnh xác định phải có thái độ thận trọng, khách quan, toàn diện khi xem xét, đánh giá sự việc; lắng nghe, tôn trọng các ý kiến giải trình hợp lý của đối tượng thanh tra và thực hiện đúng quy định pháp luật;tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong hoạt động thanh tra…

- Tuyệt đối không được làm những việc như: Lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi; sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vì lợi ích cá nhân; nhận quà tặng của đối tượng thanh tra; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật. Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của tổ chức và của người dân; cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi...

3. Về việc vận dụng giá trị của cuốn sách"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư đối với công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới

a) Công tác thanh tra:

- Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.

- Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

- Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan trong Khối nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Phối hợp với các sở, ngành, với cấp huyệntrong việc kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo các kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư ở địa phương mà việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên.

b) Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

- Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ và của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.

c) Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

<

Tin mới nhất

Giao ban công tác nội chính, tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với văn phòng cấp ủy...(20/04/2024 11:37 SA)

Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính (02/04/2024 11:44 SA)

Vận dụng giá trị của cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,...(13/11/2023 11:17 SA)

Quy định 114/QĐ-TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham...(05/09/2023 11:26 SA)

“Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng” (Bài cuối): Bịt “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”(25/09/2022 9:36 SA)

“Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng” (Bài 2): Những “con sâu đang giấu mình trong kén”(24/09/2022 9:32 SA)

“Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng” (Bài 1): Quyết liệt, tạo đột phá trong phòng, chống tham nhũng(23/09/2022 9:29 SA)

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa và Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Thanh Hóa ký kết quy chế phối hợp(23/11/2021 4:58 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    338 người đã bình chọn
    °
    1585 người đang online